Thời điểm lập hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP
Thời điểm lập hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP được quy định như thế nào? Ngày 19/10/2020, Chính Phủ ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, nhiều nội dung về hóa đơn điện tử sẽ được điều chỉnh, trong đó có vấn đề về thời điểm để lập hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp cần lưu ý để áp dụng theo đúng quy định.
1. Quy định chung về thời điểm lập hóa đơn
Theo Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, quy định về thời điểm lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
Đối với bán hàng hóa
Quy định này áp dụng với cả bán hàng hóa là tài sản Nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước, bán hàng dự trữ quốc gia. Cụ thể, thời điểm lập hóa đơn được xác định là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa, không phân biệt trường hợp đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ
Thời điểm lập hóa đơn điện tử là khi hoàn thành việc cung cấp dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Nếu người cung cấp dịch vụ đã thu được tiền trước thời điểm cung cấp dịch vụ thì thời điểm để lập hóa đơn điện tử được xác định là thời điểm thu tiền (ngoại trừ thu tiền đặt cọc, tạm ứng, kế toán - kiểm toán, tư vấn tài chính, thẩm định giá, khảo sát, thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát và lập dự án đầu tư xây dựng).
Trường hợp bàn giao nhiều lần hoặc từng hạng mục, công đoạn
Đối với trường hợp hàng hóa giao hàng nhiều lần, bàn giao theo từng hạng mục hoặc công đoạn, mỗi lần thực hiện bàn giao đều phải lập hóa đơn điện tử với lượng, giá trị của hàng hóa, dịch vụ tương ứng.
Thời điểm lập hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP
2. Quy định về thời điểm hàng hóa với các trường hợp cụ thể
Tùy theo từng lĩnh vực kinh doanh mà thời điểm lập hóa đơn điện tử sẽ có một số quy định riêng, chi tiết tại Khoản 4, Điều 9 của Nghị định này:
Trường hợp cung cấp dịch vụ khối lượng lớn và phát sinh thường xuyên
Một số trường hợp thuộc lĩnh vực kinh doanh đặc thù như:
- Dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu cho các hãng hàng không.
- Dịch vụ cung cấp điện (ngoại trừ đối tượng quy định tại Điểm h, Khoản 4, Điều 9 Nghị định này).
- Dịch vụ cung cấp nước.
- Dịch vụ truyền hình.
- Dịch vụ bưu chính viễn thông (bao gồm cả viễn thông giá trị gia tăng).
- Dịch vụ logistic.
- Dịch vụ công nghệ thông tin (trừ trường hợp quy định tại Điểm b, Khoản này).
=> Cách lĩnh vực này khi cung cấp dịch vụ cần có thời gian để đối soát số liệu giữa đơn vị cung cấp và khách hàng, dịch vụ được cung cấp theo thời kỳ nhất định. Vì vậy, thời điểm lập hóa đơn điện tử được xác định là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên, nhưng không quá 7 ngày của tháng sau khi cung cấp dịch vụ hoặc không quá 7 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước.
(Trong đó: Kỳ quy ước được hiểu là căn cứ để tính lượng dịch vụ được cung cấp theo thỏa thuận giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và người mua.)
Dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin
Đối với những đơn vị kinh doanh lĩnh vực dịch vụ viễn thông (gồm cả viễn thông giá trị gia tăng) và dịch vụ công nghệ thông tin (gồm cả dịch vụ thanh toán sử dụng trên nền tảng công nghệ thông tin hoặc viễn thông), sau khi thực hiện đối soát dữ liệu giữa các đơn vị kinh doanh dịch vụ, thời điểm lập hóa đơn điện tử được xác định là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước phí dịch vụ căn cứ theo hợp đồng kinh tế, nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh dịch vụ.
Hoạt động xây dựng, lắp đặt
Thời điểm đơn vị thuộc lĩnh vực này phải lập hóa đơn điện tử là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoặc hoàn thành, không phân biệt đã thu tiền hay chưa.
Hoạt động kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà bán, chuyển nhượng
- Trường hợp chưa chuyển giao quyền sở hữu: Nếu thực hiện thu tiền theo tiến độ dự án hoặc tiến độ thu tiền thì thời điểm cần phải lập hóa đơn điện tử là ngày thu tiền hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng.
- Trường hợp đã chuyển giao quyền sở hữu: Thời điểm lập hóa đơn điện tử tuân thủ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Đối với lĩnh vực vận tải hàng không
Thời điểm phải lập hóa đơn điện tử với các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không xuất hóa đơn qua website và các hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế và chậm nhất không quá 5 ngày kể từ ngày lập chứng từ dịch vụ vận tải hàng không.
>> Tham khảo: Báo giá hóa đơn điện tử B-invoice.
Lập hóa đơn dịch vụ hàng hóa
Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô
Thời điểm lập hóa đơn điện tử được xác định là thời điểm bên mua và bên bán xác định được giá bán chính thức, không phân biệt đã thu tiền hay chưa. Đối với hoạt động bán khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than vận chuyển bằng đường ống dẫn khí đến người mua, thời điểm đơn vị lập hóa đơn điện tử là thời điểm hai bên xác định khối lượng khí giao hàng nhưng không chậm quá 7 ngày kể từ khi người bán người thông báo lượng khí giao hàng tháng.
Đối với cơ sở kinh doanh bán lẻ, ăn uống theo hệ thống cửa hàng
Các đối tượng này hoạt động theo hệ thống cửa hàng bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng nhưng toàn bộ hoạt động kinh doanh được quy về trụ sở chính. Nếu hệ thống máy tính tiền chưa đáp ứng điều kiện kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, có in phiếu tính tiền thì cuối ngày căn cứ trên thông tin phiếu tính tiền để xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng.
Hoạt động bán điện
Thời điểm lập hóa đơn điện tử căn cứ theo thời điểm đối soát số liệu thanh toán giữa các bên: đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị phát điện và mua điện, chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai, nộp thuế với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định.
Bán lẻ xăng dầu
Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán.
Dịch vụ vận tải hàng không, bảo hiểm qua đại lý
Thời điểm lập hóa đơn điện tử là thời điểm hoàn thành đối soát dữ liệu giữa các bên, chậm nhất không quá 10 ngày của tháng sau tháng phát sinh cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, chuyển tiền, dịch vụ ngừng và cung cấp điện trở lại cho cá nhân không kinh doanh
Với các lĩnh vực này, cuối ngày hoặc cuối tháng đơn vị xuất hóa đơn tổng căn cứ vào thông tin từng lần giao dịch phát sinh theo ngày, theo tháng căn cứ vào hệ thống dữ liệu của đơn vị.
Dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi
- Tại thời điểm kết thúc chuyến đi: Đơn vị sử dụng phần mềm tính tiền gửi thông tin chuyến đi cho khách hàng và gửi về cơ quan thuế.
- Nếu khách hàng lấy hóa đơn điện tử: Khách hàng cập nhật thông tin vào phần mềm hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ. Căn cứ vào các thông tin này, doanh nghiệp thực hiện xuất hóa đơn điện tử gửi cho khách hàng và chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế.
Đối với cơ sở y tế kinh doanh dịch vụ khám, chữa bệnh
Nếu có sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh, viện phí, từng giao dịch với người khám, chữa bệnh có in phiếu thu tiền và có lưu trên hệ thống, nếu khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn thì cuối ngày cơ sở y tế lập hóa đơn điện tử. Nếu khách hàng có lấy hóa đơn thì cơ sở y tế lập và giao cho khách hàng.
Thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng
Ngày lập hóa đơn điện tử là ngày xe lưu thông qua trạm thu phí. Nếu khách hàng sử dụng dịch vụ theo hình thức điện tử không dừng có một hoặc nhiều phương tiện cùng sử dụng trong tháng thì đơn vị có thể lập hóa đơn điện tử định kỳ theo tháng, ngày lập chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh dịch vụ thu phí.
Trên đây là một số quy định mới nhất về thời điểm lập hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Doanh nghiệp có thể cập nhật các thông tin để áp dụng khi thực hiện các nghiệp vụ về hóa đơn điện tử đúng quy định.
Khách hàng có nhu cầu được hỗ trợ về quy định hóa đơn điện tử hoặc dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm hóa đơn điện tử B-INVOICE của BLUESEA vui lòng liên hệ
CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ VÀ TRUYỀN THÔNG BIỂN XANH
Địa chỉ: 91 Trung Kính - Trung Hòa - Cầu Giấy - Hà Nội
Chi nhánh HCM: 205B Hoàng Hoa Thám - P6 - Quận Bình Thạnh - TP. HCM
Hotline: 0902211505 - Email: huyenvt@bluesea.vn