3 điểm mới Thông tư 88/2020/TT-BTC về hóa đơn điện tử
Thực hiện mục tiêu thống nhất nội dung giữa Nghị định 123/2020/NĐ-CP với một số văn bản pháp luật trước đó và nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thuận tiện hơn khi áp dụng các quy định về hóa đơn điện tử, ngày 30/10/2020, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 88/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư 68/2019/TT-BTC. Theo đó, nhiều nội dung mới đáng chú ý mà doanh nghiệp cần kịp thời cập nhật.
1. Gia hạn hiệu lực thi hành 6 văn bản pháp luật tại Thông tư 68/2019/TT-BTC
Trước đây, tại Khoản 2, Điều 26 Thông tư 68/2019/TT-BTC, một số văn bản pháp luật của Bộ Tài Chính được quy định chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/10/2020. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 123/2020/NĐ-CP được ban hành, doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn giấy đến hết 30/6/2022.
Vì vậy, để thống nhất các quy định, tại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư 88/2020/TT-BTC, các văn bản này được gia hạn hiệu lực thi hành đến hết 30/6/2022, bao gồm:
1- Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 ngày 30/9/2019 của Bộ Tài Chính hướng dẫn khởi tạo và sử dụng hóa đơn hóa đơn điện tử trong bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
2- Thông tư số 191/2010/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 1/12/2010 hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hóa đơn vận tải hành khách bằng xe ô tô.
3- Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài Chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25 tháng 8 năm 2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ Tài chính);
4- Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính về việc thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế và Quyết định số 526/QĐ-BTC ngày 16/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính về việc mở rộng phạm vi thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế;
5- Quyết định 2660/QĐ-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính về việc gian hạn hạn thực hiện Quyết định số 1209/QĐ-BTC.
6- Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 của Bộ Tài Chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài Chính .
6 văn bản pháp luật tại Điều 26, Thông tư 68/2019/TT-BTC được gia hạn hiệu lực thi hành đến 30/6/2022.
Như vậy, theo quy định mới này, các văn bản trên đây vẫn tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30/6/2022. Nội dung của Thông tư 88/2020/TT-BTC giúp giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp về việc áp dụng các văn bản tại Thông tư 68/2019/TT-BTC trong bối cảnh thời hạn bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử lùi tới ngày 1/7/2022 theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành.
2. Bãi bỏ quy định bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ 1/11/2020
Theo Khoản 2, Điều 1 của Thông tư 88/2020/TT-BTC, Khoản 3 và Khoản 4, Điều 26 của Thông tư 68/2019/2020 bị bãi bỏ:
“3. Từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này.
4. Từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính nêu tại Khoản 2 Điều này hết hiệu lực thi hành.”
Như vậy, mốc thời gian bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử không phải là 1/11/2020 mà đã được thay đổi thành 1/7/2022. Nội dung này hoàn toàn phù hợp với quy định lùi thời hạn bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đã được nêu tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 19/10/2020 vừa qua.
3. Doanh nghiệp nên chủ động áp dụng hóa đơn điện tử sớm hay chờ đến hạn chót 1/7/2022?
Trước những thay đổi về thời hạn bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử được đề ra trong các văn bản pháp luật gần đây, điều khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn là nên áp dụng hóa đơn điện tử sớm hay chờ đến sát thời hạn?
Mặc dù thời hạn bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đã lùi lại đến 1/7/2022 nhưng theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Chính Phủ vẫn khuyến khích doanh nghiệp sớm triển khai hóa đơn điện tử. Cụ thể, nội dung này thể hiện tại Điều 59:
“1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.”
Việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử sớm mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Không chỉ tiết kiệm chi phí, thời gian, nâng cao hiệu quả các quy trình Tài chính - Kế toán, áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp bắt nhịp với xu hướng phát triển, sớm đưa doanh nghiệp lên nền tảng công nghệ số.
Trên đây là một số điểm mới Thông tư 88/2020/TT-BTC về hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp cần lưu ý về hiệu lực thi hành của một số văn bản đã được điều chỉnh để áp dụng trên lộ trình triển khai hóa đơn điện tử.
Áp dụng hóa đơn điện tử sớm là sự lựa chọn đúng đắn để khai thác nhiều lợi thế trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp nên chuyển đổi sớm để đáp ứng thực tiễn và bắt kịp xu hướng phát triển của doanh nghiệp hiện nay.
BAN KHÁCH HÀNG TỔ CHỨC VÀ DOANH NGHIỆP
Địa chỉ: Số 216 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Chi nhánh HCM: Số 42, Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3, Hồ Chí Minh
Hotline: 0912 136 446 - Email: vthuyen@evnpt.vn